Chạy xe ở tốc độ cao trên đường cao tốc đòi hỏi tài xế phải luôn tập trung cao độ, đi đúng làn và sẵn sàng nhường xe khác.
Những dịp nghỉ lễ, tết là lúc lưu lượng xe trên đường cao tốc tăng vọt, và gần như mỗi dịp đều xảy ra tai nạn. Tài xế Việt phần đông chủ yếu chạy xe trong thành phố, vì vậy mỗi dịp đi xa không trang bị đủ kỹ năng và kiến thức rất dễ gây va chạm. Dưới đây là những quy tắc người lái xe cần nhớ khi chạy trên cao tốc để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
1. Không chiếm làn trái sát dải phân cách
Làn trái sát dải phân cách là làn dành cho những xe chạy nhanh nhất với tốc độ tối đa. Nếu đường cao tốc quy định tốc độ tối đa là 120 km/h, bạn đang lái xe ở làn trái sát dải phân cách với tốc độ 100 km/h mà có xe khác muốn vượt, bạn cần tách sang làn phải khi đủ an toàn để nhường xe xin vượt.
(Ôtô chiếm làn trái trên cao tốc. Video: Xa Gan)
Rất nhiều tài xế chiếm làn này và đi ung dung ở khoảng 80-100 km/h nhưng vẫn cố thủ không cho xe khác vượt, buộc những xe này phải chuyển sang làn phải để vượt, gây mất an toàn vì ở làn bên phải thường là những xe chạy chậm hơn.
Luật giao thông đường bộ Việt Nam quy định, khi thấy có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn tài xế phải nhường cho vượt. Vì vậy, nếu cứ chiếm làn trái ở tốc độ thấp, không chỉ nét xấu về văn hóa mà bạn còn đang vi phạm luật.
Ngay cả khi bạn chạy ở tốc độ tối đa 120 km/h ở làn trái mà có xe xin vượt, nếu có thể cũng vẫn nhường. Xe vượt có chạy quá tốc độ hay không đã có CSGT và hệ thống camera giám sát.
2. Đi vào giữa làn
Nhiều tài xế chạy xe trên cao tốc khiến xe đi sau không biết là “xe này định làm gì”. Ví dụ chạy ở làn trái nhưng bánh xe bám sát vạch kẻ đường bên phải, ngược lại chạy ở làn phải nhưng lại có xu hướng áp sát bên trái. Những xe này sẽ dễ dàng va chạm với xe chạy ở làn bên cạnh nếu tài xế chẳng may đánh lái không để ý.
(Ôtô chạy không rõ làn trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Video: Allinone)
Lái xe cần nhớ luôn điều khiển xe đi giữa làn đường của mình, không lệch trái hay phải. Để làm được điều này, tập trung quan sát không gian phía trước, không nhìn vào vạch kẻ đường hay dải phân cách, vì khi quá chú tâm vào những chủ thể này, tài xế sẽ có xu hướng đánh lái xe về phía đó.
3. Không sử dụng làn khẩn cấp
Làn khẩn cấp chỉ sử dụng để dừng khi xe gặp sự cố, đây là làn xe không được phép chạy vào. Tuy nhiên thực tế trên nhiều đường cao tốc Việt Nam, khi phía trước tắc đường, các xe thường leo sang làn dừng khẩn cấp để chạy “phăng phăng”, gây nguy hiểm cho xe ở làn bên phải.
(Xe vượt trên làn khẩn cấp. Video: Xa Gan)
Theo quy định tại Nghị định 46/2016, mức phạt cho tài xế điều khiển ôtô chạy vào làn dừng khẩn cấp là 800.000-1.200.000 đồng.
4. Giữ khoảng cách an toàn
Tốc độ càng cao, thời gian để tài xế nhận biết trường hợp khẩn cấp và quãng đường phanh dừng càng tăng, vì vậy càng chạy nhanh, càng cần giữ khoảng cách. Trên đường cao tốc thường có những mốc vạch 0 m, 50 m, 100 m giúp tài xế xác định khoảng cách giữa mình và xe trước.
(Video tai nạn liên hoàn trên cao tốc Trung Lương tháng 9/2015)
Chạy ở tốc độ 100 km/h mà bám đuôi cách xe trước chỉ khoảng 30-40 m thì khi gặp tình huống phải phanh gấp, chắc chắn không thể tránh khỏi va chạm. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến đường cao tốc Việt Nam thường xảy ra va chạm trong những ngày nghỉ lễ.
5. Chỉ vượt khi thực sự an toàn
Nhiều tài xế có thể do vội vã hoặc tính cách lái xe mà liên tục đảo làn để vượt xe khác, thậm chí ngay cả khi làn bên cạnh khuất tầm nhìn. Chỉ chuyển làn quá nhiều, lái xe có thể rơi vào trường hợp vừa chuyển sang làn bên cạnh thì sẽ gặp ngay một xe khác án ngữ, không thể chạy tiếp và cũng không thể phản ứng.
(Xe trắng vượt khuất tầm nhìn đâm vào xe đỏ ở cao tốc Hà Nội – Hải Phòng)
Điều kiện tiên quyết khi chuyển làn để vượt trên cao tốc là phải chắc chắn làn bên cạnh thông thoáng, không có xe chắn đường.
Theo: vnexpress