Xe ô tô của bạn không phải được thiết kế để lội nước. Theo thống kê, cứ sau mỗi trận Hà Nội mưa to thì có hàng chục ô tô phải gọi cứu hộ 116, có chiếc phải sửa tốn kém đến cả trăm triệu đồng.
Nước rất có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến rất dễ hỏng, nước làm giảm hiệu lực của ly hợp, phanh.
Nếu mức nước cao sẽ bị hút vào đường hút gió của máy và làm máy hỏng, nhẹ thì cong biên, nặng thì hỏng trục cơ, vỡ block máy (hiện tượng thủy kích). Vì vậy bạn phải biết đầu ống hút gió của xe bạn ở vị trí nào, cao hay thấp và hiểu rõ hậu quả nặng nề (thường phải thay máy mới) nếu nước tràn vào họng hút gió này.
Khi trời mưa to nên để xe nơi cao, nếu phải đi xe thì chọn các tuyến đường ít ngập. Còn khi bắt buộc phải lội nước thì nếu mức nước cao trên trục láp là mức nguy hiểm, tắt điều hòa AC, đi số 1, chạy đều ga giữ cho nổ tròn máy, đi thật chậm và ra hiệu cho xe ngược chiều cùng đi chậm tránh tạo sóng cao. Nếu nước cao đến giữa Padeshock thì tốt nhất là tắt máy, ngắt nguồn ắc quy, đẩy xe qua nơi nguy hiểm, rồi kiểm tra bầu lọc gió xem có nước vào không. Tuyệt đối không khởi động nếu nghi ngờ nước đã lọt vào buồng đốt qua họng hút gió. Nếu đang lội nước không may xe chết máy thì tuyệt đối không tìm cách khởi động lại, rút chìa khóa, đẩy xe lên chỗ cao phòng tránh bị trôi dạt và gọi Cứu hộ ngay.
(Hết phần 9)