Tin tức: Dùng điện thoại khi lái xe – Hiểm họa khôn lường

Sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường là một hành động tiềm tàng nguy cơ tai nạn giao thông…

Sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường là một hành động tiềm tàng nguy cơ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm tính mạng cho người sử dụng. Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo trên các phương tiện báo chí và truyền thông, tình trạng này vẫn tiếp diễn trên khắp các con đường của thành phố.

Dưới đây là ý kiến của một số người dân: “Khi có điện thoại, đa phần mình đều dừng lại để nghe. Bởi nếu không để ý tập trung vào tay lái thì có thể đâm vào người khác hoặc bị người khác đụng phải…”. Một người khác cho biết thêm: “Luật giao thông đã quy định không được sử dụng điện thoại khi lái xe nhưng nhiều người thường chủ quan. Lúc bình thường có thể họ biết hành động đó là nguy hiểm nhưng khi vội thì có thể họ quên…”.

Các bạn vừa nghe những chia sẻ về việc sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông. Bộ Giao Thông vận tải Anh đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm để chỉ ra rằng sử dụng điện thoại khi lái xe còn nguy hiểm hơn cả những tài xế có chút bia rượu trong người. Nội dung nghiên cứu là yêu cầu tài xế phanh gấp khi xe đang chạy với vận tốc 113km/h. Những tài xế có chút hơi men phải đi hơn 4m so với một lái xe bình thường mới dừng lại. Nhưng một người sử dụng điện thoại cầm tay phải chạy thêm 8m – gấp đôi quãng đường – trước khi dừng lại được. Những bài kiểm tra độ tập trung của não và khoảng thời gian để não có thể hoàn toàn chú ý trở lại cho thấy lái xe sử dụng điện thoại có phản ứng chậm hơn 30% so với tài xế có uống bia rượu.

Những nhà nghiên cứu cũng nhận định bất cứ một cuộc nói chuyện nào trên xe cũng làm giảm mức độ tập trung của lái xe đến 10 phút sau khi cuộc trao đổi kết thúc. Nghiên cứu này cho thấy hàng triệu người có thể đang đưa mạng sống của bản thân cũng như những người khác vào vòng nguy hiểm khi sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông. Tuy nhiên, rất ít lái xe nhận thấy sự nguy hiểm này.

Hầu hết mọi người đều biết uống rượu khi lái xe là sai và nguy hiểm, có thể gây tai nạn tử vong. Nhưng họ vẫn tin nói chuyện điện thoại khi lái xe thì không sao, họ nghĩ rằng mình có thể chủ động tình huống và tính mạng sẽ không gặp nguy hiểm gì. Đây là cách nghĩ cực kỳ nguy hiểm và tiềm tảng hiểm họa giao thông khó lường. Bởi nghiên cứu cho thấy đó là ảnh hưởng của việc không tập trung, chứ không phải chỉ điều khiển phương tiện bằng một tay mới ảnh hưởng. Với việc lái một tay và chăm chăm vào chiếc điện thoại nhắn tin, lướt web hoặc cả khi dùng tai nghe để trao đổi điện thoại cũng đều gây mất tập trung và phản ứng chậm với các tình huống.

Liên tiếp các vụ tai nạn xảy ra thời gian gần đây có nguyên nhân từ việc lái xe nghe điện thoại trong quá trình điều khiển phương tiện đã khiến xã hội bất an. Đáng lo ngại hơn, những hành vi vi phạm này lại đang được nhân rộng với sự tham gia của nhiều lứa tuổi, phương tiện tham gia giao thông trên đường. Điển hình là vụ tai nạn vào tháng 3 năm nay tại huyện Mang Yang, Gia Lai khiến 3 người tử vong . 20 học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Mang Yang, Gia Lai) đang ngồi trên xe buýt BKS 81B-011.00 do tài xế Trần Ngọc Thanh (SN 1968) điều khiển. Khi đến đoạn qua thôn Nhơn Thọ, xã Hra, xe buýt va chạm mạnh với xe tải BKS 77B-004.08 đang lùi ra đường. Sau va chạm, xe buýt lao vào lề đường, tông vào hàng rào nhà dân. Vụ tai nạn khiến tài xế Thanh tử vong tại chỗ, 2 học sinh tử vong trên đường đến bệnh viện, 18 học sinh khác bị thương.

Ảnh minh họa

Chia sẻ về tâm lý sử dụng điện thoại khi lái xe, chị Mận Nguyễn, cử nhân khoa Tâm lý học trường ĐHKHXH&NV, cho rằng: “Điện thoại hiện nay hầu như là vật bất ly thân của nhiều người. Không tránh khỏi khi đi xe mà người ta vẫn sử dụng điện thoại trên đường. Khi mình sử dụng điện thoại dù mục đích nào thì với mục đích nào nó cũng phân tán sự tập trung, tư tưởng của mình. Tức là mình để sự bận tâm, tập trung của mình đến với một sự việc khác, không tập trung vào việc lái xe sẽ rất là nguy hiểm, dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm”.

Không những thế, khi nghe điện thoại trong lúc lái xe còn có nguy cơ bị bọn trộm cướp giật mất điện thoại. Của đi, tiền mất, tâm lý hoang mang, sợ hãi khi gặp cướp sẽ càng dẫn chúng ta đến ranh giới hiểm nghèo ngoài đường phố. Đâu có cuộc nói chuyện nào đáng giá bằng mạng sống của chính mình, vì thế, hãy nói không với sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe phương tiện giao thông.

Chị Nguyễn Bảo Ngọc, hiện là giáo viên của một trường THPT tại TPHCM, cảnh báo: “Một tay chạy xe một tay sử dụng điện thoại thì không an toàn cho chính người đi đường và những người xung quanh. Chưa kể hiện nay tình trạng cướp giật điện thoại rất nhiều, lấy điện thoại ra nghe giữa đường sẽ làm cho thành phần xấu để ý cướp giật rồi tự tạo ra tai nạn cho bản thân mình. Mình thấy không nên sử dụng điện thoại khi chạy xe vì nó không mang lại lợi ích nào hết vì nó toàn mang lại rủi ro nguy hiểm cho những người xung quanh và tổn hao tài sản, sức khỏe của mình nữa”.

Sử dụng điện thoại làm mất tập trung khi lái xe vừa có nguy cơ gây ra tai nạn vừa có thể trở thành con mồi của tệ nạn xã hội. Dủ rất nhiều cảnh dở khóc dở cười xảy ra từ việc sử dụng điện thoại bất chấp tính mạng nhưng tình trạng này vẫn liên tục tái diễn.

Hành vi vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển phương tiện giao thông đang trở thành thói quen của nhiều người. Điều này xuất phát từ chính sự thiếu ý thức chấp hành quy định về trật tự an toàn giao thông, coi thường tính mạng của chính mình và người khác. Có nhiều người thừa biết hành động nghe điện thoại khi lái xe là vi phạm luật pháp, thỉnh thoảng còn lên án hành vi. Nhưng khi bản thân vào tình huống thì lại quên mất điều cơ bản này hoặc nặng hơn là dù biết nhưng vẫn phớt lời , cố tình vi phạm. Vì vậy, chúng ta thấy điều rất rõ ràng là bên cạnh việc người dân hiểu biết về luật pháp hay không, còn có nhiều người dù biết luật nhưng vẫn cố tình vi phạm. Bởi tại chưa từng bị xử phạt răn đe hay lãnh hậu quả nghiêm trọng từ hành vi này.

Ở Việt Nam, theo Nghị định 46/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển ô tô được quy định mức phạt tiền từ 600 ngàn đến 800 ngàn đồng; đối với xe gắn máy, xe mô tô thì bị xử phạt từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng. Mức phạt này mang tính răn đe khá thấp so với hậu quả của lỗi vi phạm gây ra. Bên cạnh đó, không phải lúc nào cũng có mặt CSGT ở trên đường để kịp thời kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Để ngăn chặn tình trạng này, các nhà xe, công ty quản lý phương tiện cần lắp đặt hộp đen, giám sát hành trình cùng với camera giám sát lái xe chở khách khi ngồi trên cabin. Còn đối với những lái xe cá nhân, tất cả đều phụ thuộc vào thái độ, ý thức của chính lái xe với sự an toàn của bản thân và người tham gia giao thông trên đường.

Nếu bắt buộc phải gọi hoặc nghe, bạn hãy tấp xe vào lề, dừng xe, sau đó mới sử dụng điện thoại, có như thế mới giữ an toàn cho bản thân và mọi người, tuyệt đối không nghe gọi, nhắn tin hay lướt web, chat khi tham gia giao thông. Việc làm này khiến mất tập trung cho việc lái xe, nguy cơ tai nạn giao thông rất là cao. Thiết nghĩ, việc sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là không cần thiết, không những bị xử phạt mà còn gây nguy hiểm tính mạng cho bản thân và những người đang lưu thông trên đường.

Nước ta dù đã có luật cho hành vi này nhưng còn khá lỏng lẻo trong xử phạt, các lực lượng chức năng chưa thật sự quan tâm đến điều luật này để tập trung xử lý người vi phạm. Bên cạnh việc tuyên truyền cho mỗi công dân ý thức được rằng hành vi này không những phạm pháp mà còn đe dọa đến tính mạng của bản thân, thì các lực lượng chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông phải triệt để hơn trong việc giám sát và xử phạt người dân. Vừa tuyên truyền vừa xử phạt, có như thế mới răn đe và loại trừ được những thói quen kiên cố của người thường xuyên vi phạm.

Theo vov


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Gọi taxi